Đánh giá Trạm điện dự phòng – Dùng cho Camping Dã ngoại và cúp điện

Mình sở hữu chắc phải tầm hơn chục cái trạm điện: mua có, loot có, được cho có! dung lượng ít nhất là 200Wh và cao nhất là 1400Wh.
Trạm điện, chung quy lại chỉ là một cục pin dự phòng lớn hơn bình thường, có nhiều cổng kết nối hơn (usb, DC 12v, AC 220v…) để sử dụng cho nhiều mục đích điện đóm khác nhau. Trạm điện không ghi dung lượng theo mức mAh kiểu pin dự phòng bình thường, mà ghi theo Wh (watt giờ) – trực quan hơn. Ví dụ một trạm điện có dung tích 1000Wh, bạn xài thiết bị tiêu thụ 1000W thì xài liên tục được 1 tiếng – dễ hiểu, hen?

Công dụng của trạm sạc dự phòng

Vậy đi camp đem theo cái của nợ này làm gì? Để sử dụng cho những nhu cầu điện đóm mạnh & lâu hơn cục pin dự phòng bình thường: nhẹ nhàng thì đèn, quạt – cao cấp thì nấu cơm, tủ lạnh, thậm chí cả máy lạnh hay nấu bếp điện. Thật ra cần thiết tới mức phải có thì không cần, nhưng nếu có điện, thì đời thoải mái hơn! Từ ngày loài người phát minh & kiểm soát được điện năng (ông nào ấy nhỉ?), thế giới đã hoàn toàn thay đổi – chúng ta không thể sống thiếu điện, chỉ là ít hay nhiều thôi.
Vì vậy việc đi camp, dù là rời xa sự ồn ào phố thị, cũng phải có “chút xíu” tiện nghi (tiêu chuẩn kép đó, rồi sao?). Nấu cơm xài củi thì vui, nhưng nồi điện tiện hơn! Uống nước nguội cũng được, nhưng nước lạnh sướng hơn! Gió trời cũng mát, nhưng gió quạt ngủ ngon hơn!… đó, mấy cái bình thường thôi đó, chưa nói tới vụ máy lạnh hoặc bếp điện nữa!

Nên sử dụng trạm pin dự phòng không?

Có rất nhiều lý do để KHÔNG phụ thuộc vào điện, nhưng lý do cần thì… nhiều hơn. Mình thuộc loại thứ 2. Nhu cầu cần trạm điện của mình là để nuôi tủ lạnh – mục đích là giữ lạnh cho sữa thanh trùng của mấy đứa nhỏ trong mấy ngày camping. Và từ khi có tủ lạnh, đồ ăn và uống trong chuyến camping của mình trở nên ngon và đa dạng hơn, mình có thức uống lạnh, có rau tươi, trái cây tươi, thực phẩm cũng giữ được tốt hơn. Và vì có trạm điện, mình có thể nấu cơm nóng khi đi camp. Việc nấu cơm nóng hổi khi camping là một trải nghiệm thú vị – bạn bè, gia đình quây quần chuẩn bị bữa cơm giữa rừng, trăng thanh gió mát, mỗi người một tay, và cùng nhau ngồi thưởng thức bữa cơm mà cả đám cùng chuẩn bị. Ngày xưa camping thì thích ăn bánh mì hay thức ăn nhanh, bây giờ lại thích setup như một bữa cơm Việt thuần tuý hơn (chắc già rồi :)))). Và nhờ trạm điện, tụi mình có thể nấu cơm nóng và có thực phẩm tươi suốt nhiều ngày liền. Xài trạm điện, khuyết điểm là nặng và phải sạc, nhưng ưu điểm nhiều hơn, nên mình chấp nhận.

Vậy nên chọn trạm điện loại nào, dung lượng bao nhiêu?

Đầu tiên là loại trạm điện: Mình nói “loại nào”, là vì trên thị trường bây giờ có hai loại trạm: hàng công ty và hàng tự chế. Hàng công ty là loại mọi người thấy trong hình: sản phẩm hoàn chỉnh, có thương hiệu rõ ràng. Hàng tự chế là do các anh kĩ sư làng mua vỏ nhựa, mua mạch, mua pin về ráp vô. Ưu và khuyết của 2 loại như sau:
– Hàng công ty: Thương hiệu rõ ràng, mạch miếc ổn định, nhiều option sạc vô (DC, AC, Solar, USB… có sạc nhanh), giá từ trung bình tới cao tuỳ thương hiệu, trọng lượng từ nhẹ tới tương đối nặng.
– Hàng tự chế: Noname (hoặc tên của mấy ảnh tự in lên), mạch tuỳ tâm, pin tuỳ tâm, option sạc vô hạn chế hơn và chỉ sạc chậm, giá từ thấp tới trung bình, trọng lượng từ nặng tới rất nặng.
Nghe thì có vẻ hàng tự chế rủi ro quá hen? Thật ra không hẳn, vì có nhiều người xài đồ tốt, nên chất lượng tốt lắm, thường loại này dung lượng rất cao (từ 2kWh trở lên), chỉ tội ở chỗ việc sạc vô hơi quằn (ít option), và trọng lượng nặng, nên nếu ai ko cần khiêng vác nhiều thì ok, để yên trên xe xài luôn. Anh em xài máy lạnh thì đa số sẽ chọn trạm này vì máy lạnh ngốn điện khá nhiều (loại yếu cũng đã ngốn 300Wh trở lên rồi), những trạm dung lượng ít không chạy được lâu.
Kế tiếp là dung lượng bao nhiêu là đủ? Cái này thì còn phải coi theo nhu cầu xài điện của mỗi người. Chúng ta hãy liệt kê ra nhu cầu xài điện để tính. Ví dụ mình hen. Mình thì chủ yếu xài nấu cơm và tủ lạnh, nhu cầu 3 ngày 2 đêm:
– Cơm. Mình xài nồi cơm điện nhỏ, mỗi lần nấu tốn tầm 150W. Vậy 4 bữa là 600W
– Tủ lạnh. Chạy liên tục khoảng 40 tiếng (gần 2 ngày liên tục). Trung bình 30W x 40 = 1.200W
– Các nhu cầu khác (sạc đt, đèn đóm, quạt). này thì khá vô định, nhưng cho là 400W đi
Vậy tổng nhu cầu điện của mình khi camp 3 ngày 2 đêm là 2200W. Điều đó có nghĩa là nếu mình xách một cái trạm điện trên 2200Wh thì đủ. Tuy nhiên thực tế mình ko làm vậy, mà mình sẽ xách 2 cái trạm nhỏ (mình hay xách 2 cái Ecoflow River Pro có dung lượng tổng khoảng 1500Wh), kèm thêm một bộ sạc năng lượng mặt trời 200W. Trước khi đi mình sẽ sạc đầy, và khi sử dụng trạm, mình cũng để cho miếng solar sạc vô cho trạm. Nếu hôm camp có nắng thì coi như không cần quan tâm điện đóm, nhưng nếu solar không đủ thì mình sẽ đi… sạc ké. Thường thì sáng hôm sau, kiểu gì cũng phải chạy ra ngoài để mua thêm đồ hoặc châm thêm nước xài, mình sẽ tranh thủ cắm điện lưới để sạc nhờ. Trạm Ecoflow sạc vô rất nhanh: chỉ mất 40p là có thể từ 0-70% luôn rồi, nên lúc mua đồ và châm nước xài, mình đã loot được một mớ điện, đủ xài tới hôm sau. Việc chia ra xài 2 trạm là để “sạc ké” được nhanh hơn (và xách 2 trạm nhỏ cũng dễ hơn 1 trạm lớn). Đó là chưa kể có thể dùng điện xe hơi để sạc vô cho trạm (công suất 100W, không quá lớn, nhưng cũng tạm).
Việc sạc nhanh này là một điểm cực-kì-quan-trọng khi anh em chọn mua trạm điện, vì nó sẽ quyết định việc “loot điện” của anh em hiệu quả tới đâu. Lý do mình ưu ái EcoFlow hơn GoalZero là vì GoalZero sạc vô chậm hơn (dù mình cũng đang xài song song cả 2 thương hiệu). Đây cũng là điểm yếu của các loại trạm điện tự chế, vì đa số sẽ sạc vô khá chậm.
Các trạm điện này cũng khá hữu dụng cho gia đình khi cúp điện, vì sẽ có quạt, đèn, wifi xài phà phà. Và riêng mình đôi khi còn đi quay chụp outdoor, có trạm điện sẽ tiện lợi cho setup ánh sáng và máy móc các thứ không phải phụ thuộc vô điện lưới.
Chi phí cho trạm điện này cũng khá vô chừng, từ vài củ tới vài chục, thậm chí có loại vài trăm củ (nhưng loại này là dạng trạm công nghiệp rồi, bự lắm, ko vác đi camp nổi đâu). 2 trạm EcoFlow của mình là River Pro và River 2 Pro, mình mua tầm 10 củ/cái (cái đời 1 có triệu chứng hơi man man rồi nên mình mua thêm cái đời 2). Mình khá tin tưởng EcoFlow vì quăng quật và hành hạ con đời 1 cả mấy năm nay (đỉnh điểm là có lần đi cano bị nước biển văng vô ướt hết, hư hết các cổng USB nhưng các cổng AC DC vẫn xài ngon) :))))

Kết luận

Anh em mua trạm điện thì chỉ cần quan tâm các yếu tố sau: dòng sạc vô mạnh không (cực quan trọng), dung lượng, chính sách bảo hành. Các yếu tố khác như dòng xả tối đa thì mình thấy không quan trọng lắm (trừ phi ai thích chơi sang, xài bếp điện, thì phải coi trạm chịu nổi công suất tiêu thụ của bếp không!), một số option sau sẽ giúp anh em mua được trạm rẻ hơn: hàng xách tay, hàng cũ, điện AC 110V, trạm hư một số cổng… tuy nhiên quyết định chọn những option này thì nó cũng đi kèm với những bất tiện hoặc rủi ro nhất định. Có chơi có chịu nghen hehe
P.s: Lúc mới nghiên cứu vụ điện đóm khi camp thì mình cũng có nghiên cứu vụ máy phát điện chạy xăng. Máy phát thì điện siêu thoải mái luôn, nhưng việc chịu đựng tiếng máy nổ (loại hiện đại thì tương đối êm, nhưng vẫn có tiếng nổ!) có vẻ không phù hợp tiêu chí của mình, nên mình bỏ qua.

Vui lòng trả lời câu hỏi sau: Con hổ có mấy chân?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

1+3 =? ( nhập số )